Skip to Content

Giới thiệu chung Giới thiệu chung

Giới thiệu tổng quan
về xã Thạnh Nhựt
***

1 I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CHUNG

1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế, văn hóa - xã hội

1.1. Vị trí địa lý

Xã Thạnh Nhựt nằm về phía Tây của huyện Gò Công Tây, cách trung tâm huyện 5km đường giao thông bộ, là cửa ngõ của huyện đi các huyện Chợ Gạo, TP Mỹ Tho. Địa bàn xã nằm tiếp giáp với Thị Trấn Vĩnh Bình, đồng thời có đường Quốc Lộ 50, đường huyện 12, 12B đi qua.

Xã có ranh giới hành chính được xác định như sau:

+ Phía Đông giáp Thị Trấn Vĩnh Bình;

+ Phía Tây giáp xã An Thạnh Thủy;

+ Phía Nam giáp xã Bình Ninh (Chợ Gạo), Vĩnh Hựu (Gò Công Tây);

+ Phía Bắc giáp xã Bình Nhì (Gò Công Tây), xã Bình Phục Nhứt (Chợ Gạo).

1.2. Diện tích tự nhiên

- Tổng diện tích tự nhiên: 1.783,72 ha, chiếm 9,65% diện tích tự nhiên của huyện.

Địa bàn xã có 05 ấp, trong đó có 5/5 ấp có ngành sản xuất chính là nông nghiệp gồm Bình Tây, Bình Đông, Bình Trung, Tân Thạnh và Thạnh Lạc Đông.

1.3. Dân số:

- Số hộ: 3.697 hộ.

- Nhân khẩu: 12.803 người.

- Lao động trong độ tuổi 7.731 người (60,38%).

Là xã có nguồn lực lao động trẻ dồi giàu, cần cù chịu khó, tuy nhiên số có trình độ, có kiến thức thường tập trung về các thành phố, theo lao động công nghiệp, số còn lại địa phương số đông là lao động chân tay, lao động theo mùa vụ chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.

- Dân số của xã chủ yếu phân bố dọc theo các tuyến đường giao thông nông thôn, các tuyến kênh trục chính trong xã.

- Về số hộ sản xuất nông nghiệp: 2.512 hộ chiếm 67,95%/tổng số hộ.

1.4. Phát triển kinh tế

- Xã có 306 cơ sở kinh doanh, dịch vụ với quy mô vừa và nhỏ, hàng năm hoạt động sản xuất, kinh doanh đều có lãi, đã góp phần giải quyết một phần công ăn việc làm cho lao động tại xã.

- Kinh tế tập thể: 01 tổ hợp tác nước và 03 Hợp tác xã cung cấp nước sinh hoạt. Hầu hết các Hợp tác xã và tổ hợp tác nước đều hoạt động đúng theo qui định của Luật HTX 2012 và phục vụ tốt cho nhân dân.

 Xã có 03 chợ: Bình Đông, Thạnh Lạc Đông do UBND xã quản lí và chợ Bình Tây do HTX Bình Tây quản lý là trung tâm mua bán trao đổi hàng hóa của xã và các xã lân cận, nên thương mại và dịch vụ phát triển khá; hệ thống thủy lợi đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ tưới tiêu và sản xuất lúa 3 vụ/năm. Có nguồn nhân lực dồi dào đảm bảo đủ nhu cầu lao động tại địa phương; quốc phòng – an ninh hàng năm được giữ vững; Hệ thống chính trị luôn được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động ngày càng có hiệu quả; đó là điều kiện rất thuận lợi trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

1.5. Văn hóa xã hội

Đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, nhà kiên cố và bán kiên cố đạt 95%. Tỷ lệ hộ nghèo của xã 0,32% (theo Bộ tiêu chí quốc gia là dưới 2%).

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”: hàng năm có 100% hộ đăng ký gia đình văn hóa, 90% hộ đạt 3 tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Xã có 05/05 ấp hàng năm được tái công nhận ấp văn hóa.

Xã có 01 trường Trung học cơ sở, 01 trường Tiểu học và 01 Trường Mẫu giáo; 01 Trạm y tế đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.

 Về văn hóa thể dục thể thao: xã có 02 sân bóng đá mini, 01 sân bóng chuyền, 01 sân bóng chuyền hơi, 05 đội văn nghệ, 01 câu lạc bộ dưỡng sinh, 01 câu lạc bộ đờn ca tài tử, 01 CLB hát với nhau, 01 CLB Thơ, 01 sân cầu lông, 5 CLB gia đình phát triển bền vững và 01 bưu điện văn hóa.

 Thời gian tới, xã cần phát huy hơn nữa những tiềm năng sẵn có bằng những hành động thiết thực như đẩy nhanh công tác đào tạo lao động, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, quy hoạch phát triển nông thôn bằng nhiều nguồn vốn nhằm tạo đào kiện cho việc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của xã góp phần hoàn thiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng ở nông thôn.

2. Thuận lợi:

  • Hệ thống cơ sở hạ tầng: Giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục, điện, bưu chính được quan tâm đầu tư nâng cấp thường xuyên. Đặc biệt là QL 50 đi qua địa bàn có ý nghĩa lớn đối với việc giao thương của xã với thị trường bên ngoài, qua đó từng bước khắc phục khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội của xã.
  • Trong sản xuất, nông nghiệp luôn là chủ lực và có ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của xã, từng bước tăng trưởng cao, năng suất các loại cây trồng khá cao. Các tiến bộ khoa học được ứng dụng vào trong sản xuất, hệ thống thuỷ lợi phục vụ sản xuất được quan tâm…
  • Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể từ xã đến ấp và nhân dân được quán triệt tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, nhất là về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
  • Các chương trình, mục tiêu được triển khai thực hiện đạt kết quả cao, đem lại lợi ích thiết thực và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
  • Thực hiện tốt Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, tạo được niềm tin và gắn bó mật thiết của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể trong xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa phương.
  •  Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tập trung củng cố theo hướng ổn định và ngày càng vững chắc.

  3. Khó khăn:

  • Nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế chưa đồng bộ; các hình thức sản xuất còn chậm đổi mới, chưa đủ sức phát triển mạnh sản xuất hàng hóa;
  • Thu nhập và đời sống của người dân tuy được nâng cao nhưng một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; phương tiện phục vụ văn hóa, thể dục thể thao chưa đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu ngày càng cao của người dân;
  • Sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ quy mô còn nhỏ lẻ; lực lượng lao động qua đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới.
  • Đầu ra của các mặt hàng nông sản còn lệ thuộc vào các tiểu thương, chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định.
  • Điều kiện sản xuất trong xã còn chịu sự tác động của thời tiết, thị trường luôn biến động theo hướng bất lợi cho sản xuất và tiêu dùng, nhất là giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất như: phân bón, xăng dầu, vật liệu xây dựng…

- Quá trình phát triển kinh tế – xã hội đã và đang tác động xấu đến môi trường như: ô nhiễm từ nước thải và chất thải ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, do chăn nuôi; ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp do việc sử dụng thuốc trừ sâu.

  • Dân số ngày càng phát triển, làm phát sinh các nhu cầu về nhà ở, việc làm, y tế, giáo dục, thể dục thể thao, vui chơi giải trí,…. Do đó cần phải cân đối lại quỹ đất để phát triển.

- Quá trình thành lập và phát triển: Thành lập năm 1979 được chia tách ra từ xã Bình Thạnh.

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Đang truy cập:
-
Hôm nay:
-
Tuần hiện tại:
-
Tuần trước:
-
Tháng hiện tại:
-
Tháng trước:
-
Tổng lượt truy cập:
-